Đôi nét về tượng Tam Đa (Phúc – Lộc – Thọ)
Tượng Tam Đa hay còn được gọi là tượng Phúc – Lộc – Thọ, xuất phát từ hình tượng của ba con người có thật sống vào ba triều đại phong kiến Trung Quốc. Đó là Quách Tử Nghi (ông Phúc), Đậu Tử Quân (ông Lộc) và Đông Sơn Sóc (ông Thọ).

Quách Tử Nghi (ông Phúc) sống ở thời nhà Đường, giữ chức vị thừa tướng. Ông là người có xuất thân quý tộc, bản thân sở hữu hàng trăm mẫu ruộng lớn. Tuy nhiên, ông lại muốn dành cả cuộc đời mình để tham gia triều chính.
Ông là người thẳng ngay, liêm khiết, tuyệt đối không vì phú quý và vinh hoa mà đánh mất nhân cách của mình. Do đó cuộc sống làm quan không mấy khá giả. Nhưng bù lại nhà ông có ngũ đại đồng đường, con đàn cháu đống.
Ông và vợ mình sống đến năm 83 tuổi thì mất. Khi ông mất, con cháu 5 đời đều có mặt đầy đủ và tiến hành hợp táng cho ông cùng với vợ để hai người mãi mãi ở cạnh bên nhau. Suốt cuộc đời ông đều sống tốt và có phúc đức nên người đời gọi là ông Phúc.
Đậu Tử Quân (ông Lộc) sống ở thời nhà Tấn, cũng giữ chức vị thừa tướng. Nhưng khác với Quách Tử Nghi, ông lại là một tham quan. Suốt cuộc đời làm quan của mình, ông nhận vô số của đút lót, châu báu, vàng bạc từ những kẻ nịnh thần.
Ông còn mua quan, bán tước cho những người không có thực lực. Thậm chí là chạy tội cho bản thân và thân tộc. Của cải trong nhà của ông chất cao như núi, tuy nhiên lại thiếu một điều là cháu đích tôn. Ông lo lắng, buồn rầu rồi sinh bệnh mà chết.
Có một điều rất đặc biệt là trước khi từ giã cõi đời, ông không nhắm được mắt. Ông tự than rằng: “Lộc ta để cho ai đây? Ai giữ ấm chân nhang cho tổ tiên, cho bản thân ta?”. Thế nên về sau, người ta lấy tên Lộc đặt cho hình tượng của ông.
Đông Sơn Sóc (ông Thọ) sống ở thời nhà Hán, giữ chức vị thừa tướng. Triết lí làm quan của ông là quan thì phải lấy được lộc, không lấy được lộc thì không làm quan. Đối với ông, “buôn chính trị” chính là buôn khó nhất nhưng lại cho lãi to nhất.
Nói như vậy không có nghĩa là ông sẽ tham quan, ngược lại ông là một vị quan rất thanh liêm. Bởi ông chỉ thích được nhận lộc mà vua ban thưởng, tuyệt đối không nhận của đút lót. Ông thọ đến lúc 125 tuổi nên người đời sau mới gọi là ông Thọ.